Mỗi khi có nhu cầu đi du lịch đây đó để thay đổi không khí, người Sài Gòn thường nghĩ đến các tỉnh miền Đông, miền Trung hoặc Tây Nguyên như Vũng Tàu, Đà Lạt, Nha Trang, Phan Thiết… mà quên đi rất gần Sài Gòn còn có các tỉnh miền Tây Nam Bộ. Các tỉnh thuộc đồng bằng sông Cửu Long có một vẻ đẹp hiền hòa, êm ả, giống như tính cách mộc mạc, hào sảng của người dân miền Tây.
Ngày nay, chỉ cần 2 tiếng đồng hồ là bạn có thể từ Sài Gòn về đến Bến Tre. Từ khi có đường cao tốc Trung Lương và cầu Rạch Miễu, khách về Bến Tre không còn phải qua phà, đoạn đường rút ngắn lại chỉ còn khoảng 86km. Để có nhiều thời gian hơn, tốt nhất là đi vào 2 ngày cuối tuần, sáng Thứ Bảy đi, chiều Chủ Nhật về.
Tỉnh Bến Tre gồm thành phố Bến Tre và 7 huyện: Ba Tri, Bình Đại, Châu Thành, Chợ Lách, Giồng Trôm, Mỏ Cày và Thạnh Phú. Huyện Ba Tri có sân chim Vàm Hồ nổi tiếng, nhưng hiện nay chính quyền địa phương đã đóng cửa rừng để bảo vệ môi trường sống của các loài chim quý, không cho du khách vào tham quan nữa. Huyện Chợ Lách là nơi tập trung trồng các loài hoa kiểng, bonsai, trái cây… và rất nổi tiếng với sầu riêng Cái Mơn. Riêng huyện Châu Thành có rất nhiều nhà vườn trồng dừa và cây ăn trái đủ loại. Đường làng xứ dừa Để đến một nhà vườn thuộc xã Tiên Thủy_ huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre, chúng tôi đi bộ trên con đường làng dọc theo mé sông. Ở Bến Tre, hầu hết các con đường làng đều đã được tráng nhựa, tuy hẹp nhưng dễ đi. Vì vùng này nhiều mương rạch, nên cách một khoảng lại có một cây cầu xi măng nhỏ bắc ngang qua rạch. Ở huyện Châu Thành, hiện nay hình ảnh “cầu ván đóng đinh” hoặc “cầu tre lắc lẻo” rất khó tìm thấy, thay vào đó là những chiếc cầu bê tông trắng trẻo, sạch sẽ, một tín hiệu đáng mừng cho vùng nông thôn Bến Tre. Chỉ còn duy nhất một chiếc cầu ván trên đường từ Tiên Thủy ra trung tâm thành phố. Một trong những chiếc cầu xi măng bắc qua con rạch nhỏ: Hai bên cầu là hàng dừa nước, lá nghiêng nghiêng đan vào nhau như chiếc cổng chào: Cặp theo mé sông, những cây Bần mọc um tùm, thân và nhánh cây ít khi đứng thẳng mà thường uốn cong hoặc gấp khúc khiến dáng cây đẹp lạ lùng: Ven bờ sông, còn có những cây có rễ mọc cao và chằng chịt, một loại rễ khí sinh: Thỉnh thoảng lại có một chiếc thuyền máy lướt nhanh trên sông: Vườn cây Bến Tre Ca dao Nam Bộ có câu: “Mẹ mong gả thiếp về vườn Ăn bông bí luộc, dưa hường nấu canh” Thật vậy, ở đồng bằng sông Cửu Long, nhờ đất phù sa màu mỡ, cây trồng dễ mọc và sinh sôi nảy nở tự nhiên, ít tốn công chăm sóc. Vì vậy “ăn bông bí luộc, canh dưa hường”_ một chuyện bình thường ở miệt vườn_ lại là giấc mơ của những người sống ở miền núi hoặc những vùng đất khô cằn sỏi đá. Đất vườn phì nhiêu, cứ gieo hạt là có cây lá để ăn, nào là đậu rồng, mướp, bí, bầu, dưa leo… Nhà vườn ở Châu Thành mà chúng tôi ghé thăm thuộc loại vườn tạp, trồng đủ loại cây: dừa, sầu riêng, chôm chôm, măng cụt, nhãn, me, bưởi, cam, chanh, chuối… Mùa này chôm chôm đang kỳ thu hoạch, những chùm chôm chôm chín đỏ trên cây trông thật vui mắt: Những chùm trái còn xanh… Trái dần dần ngả sang màu cam… … rồi đỏ ửng khi hoàn toàn chín… Người ta hái chôm chôm bằng sào, tiếp theo là công đoạn bẻ bớt cành lá: Mùa này trong vườn còn có cam sàng, một loại cam vỏ mỏng, trái nhỏ nhưng rất ngọt: Bưởi da xanh gần như có trái quanh năm: Có những chùm trái sà xuống gần mặt đất: Chuối lúc nào cũng sẵn có trong vườn: Riêng đặc sản của Bến Tre _ trái dừa_ có thể thu hoạch quanh năm. Dừa Bến Tre rất ngọt, vị ngọt tự nhiên và tươi mát vì không bị ngâm tẩm hóa chất như dừa bán ở Sài Gòn. Cây dừa là loài cây rất hữu ích vì người ta có thể tận dụng mọi thứ từ chúng: lá dừa gói bánh xu xê, làm cổng chào cho đám cưới; gỗ dừa làm đồ thủ công mỹ nghệ; trái dừa để uống, nạo cơm dừa, làm mứt, kẹo…; xơ dừa để làm chất trồng; gáo dừa làm than hoạt tính, than viên… Ngay cả con đuông, một loài sâu sống trong thân dừa non, cũng được chế biến thành món ăn cao cấp. Củ hủ dừa (ngọn dừa non) dùng làm gỏi, xào nấu món ăn… Cây dừa này hiện có khoảng 5 đến 6 chục trái đang đeo bám lúc lỉu trên thân: Trái dừa nước không ngon ngọt như dừa cạn, nhưng vẫn mọc khắp nơi ở các mương rạch. Chúng góp phần giữ đất không bị sạt lở do sức nước xói mòn… Có một nghịch lý là Bến Tre có đến 51.600 ha dừa với sản lượng hơn 410 triệu trái/năm, mà các doanh nghiệp chế biến sản phẩm từ dừa tại Bến Tre lại phải nhập khẩu dừa từ Indonesia, vì lượng dừa thu hoạch được đều bị thương lái Trung Quốc thu mua hết. Họ mua nguyên cả trái dừa, nên không chỉ các doanh nghiệp sản xuất thạch dừa, cơm dừa sấy, kẹo dừa, mứt dừa… bị thiếu hụt nguyên liệu, mà cả các cơ sở làm than viên, chất trồng, đồ thủ công mỹ nghệ… cũng lâm vào cảnh ngồi không. Rừng trong vườn Càng đi vào sâu trong vườn, tán cây càng rậm rạp, những cành lá giao nhau chằng chịt, rất ít khi để ánh sáng mặt trời lọt xuống. Vì thế ở đây hình thành một quần thể thực vật gần giống như ở rừng. Nhiều cây thân thảo leo quấn quít trên các cây dừa, dương xỉ cũng mọc khắp nơi. Trong vườn có rất nhiều mương rạch tự nhiên, tạo độ ẩm cho vườn, khiến hệ sinh thái trong vườn càng giống với rừng: Ở những con mương nhiều bùn, cá Thòi Lòi đào hang trú ẩn, thỉnh thoảng lại bò lên cạn tìm mồi. Hai vây trước của chúng rất phát triển nên có thể sử dụng như chân để di chuyển trên cạn. Một thân cây già được chặt làm cầu tạm bắc qua con mương, không còn rễ, nhưng vẫn có một vài mầm sống bé nhỏ đang mọc lên từ thân cây già: Những bông hoa dại trong vườn: Những cây chôm chôm mọc tự do trong vườn, cành lá tỏa rộng, nghiêng ngả như cây rừng: Có những nơi tán cây um tùm hoàn toàn che ánh sáng từ phía trên, chỉ có những tia nắng mong manh cuối chiều chiếu xiên vào cây lá, đem lại cho cảnh vật một vẻ đẹp thật sống động: Ở khu vườn này, sự can thiệp của con người đến quần thể thực vật là rất nhỏ. Cây cối được tự do phát triển, lá khô rụng hàng hàng lớp lớp, những lối đi không được cố tình bố trí cho gọn đẹp theo kiểu sân vườn... Vì thế nó mang một vẻ đẹp riêng, vẻ đẹp của rừng trong vườn, hoang dại và đầy biểu cảm… Theo hoadongnoi |
Thêm vào trang Google +
Số lần xem : 9639
Đánh giá